Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận điều trị cho hai bệnh nhi đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nghi do chó cắn rồi phát bệnh dại.
Người thân của trẻ cho biết trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo. Trước khi xuất hiện các triệu chứng trên, gia đình có một con chó chết không rõ nguyên nhân.
Các bác sĩ nhận định bệnh nhi phát bệnh dại. Dù được tích cực điều trị, hai trẻ đã không qua khỏi không lâu sau khi nhập viện.
Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 30 tuổi nhập viện trong tình trạng hốt hoảng, kích thích, sợ nước, sợ gió. Bệnh nhân được chẩn đoán và làm xét nghiệm vi rút dại có kết quả dương tính.
Điều đáng nói, nam bệnh nhân từng bị chó cắn trước đó 3-4 tháng, nhưng không tiêm vắc xin phòng bệnh.
Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nguyên nhân gây bệnh dại chủ yếu là do chó, mèo mắc bệnh dại cắn người thì có khả năng lây truyền bệnh dại sang người.
Thời gian ủ bệnh rất khác nhau, có thể khoảng 10 ngày sau khi bị chó cắn đã lên cơn dại và tử vong, nhưng cũng có thể đến hàng năm. Chó cắn với vết cắn sâu hoặc ở những vị trí gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn.
Bị bệnh dại dù không bị chó cắn hoặc bị cắn nhẹ
Theo ông Phu, việc phòng tránh bệnh dại không hề khó, nhưng nhiều người lại chủ quan. "Tiêm phòng dại cho chó, mèo là biện pháp đầu tiên. Khi vật nuôi được tiêm phòng dại thì nguy cơ mắc dại sẽ giảm đi. Hiện nay, tại nước ta, tỉ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó chưa được cao.
Tôi đã chứng kiến có nhà nuôi 2-3 con chó, nhưng khi chính quyền vận động đi tiêm phòng dại cho chó thì họ chỉ mang 1 con đi tiêm", ông Phu dẫn chứng.
Bên cạnh đó, ông Phu cho rằng hiện có quy định cụ thể về nuôi chó, mèo nhưng người dân không tuân thủ. Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm ở nơi công cộng dẫn đến việc người bị chó cắn thường xuyên xảy ra, như vậy nguy cơ bị chó dại cắn cũng tăng lên.
Cũng có trường hợp bị bệnh dại dù không bị chó cắn hoặc bị cắn nhẹ. Nguyên nhân là con chó ngáp, nước bọt chứa vi rút dại rơi vào vết thương hở thì người đó cũng có thể bị lây truyền bệnh.
"Điều quan trọng là bệnh dại trên người có thể hoàn toàn điều trị dự phòng bằng vắc xin hay huyết thanh kháng dại. Nếu người bị cắn được tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh với tỉ lệ cao. Một người khi đã lên cơn dại thì 100% tử vong, không thể nào chữa được.
Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý chủ quan bị chó cắn nhưng không đi tiêm vắc xin phòng dại vì nghĩ con chó đó không sao. Đến khi người đó lên cơn dại thì đã không kịp, không thể chữa được", ông Phu nói.
Để chủ động phòng chống bệnh dại mùa nắng nóng, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa lại bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Lưu ý hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
Đồng thời, người bị cắn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm ngừa dại kịp thời.
Nguồn tin: tuoitre.vn